Chủ động đổi mới nội dung đào tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, đẩy mạnh hợp tác quốc tế xây dựng môi trường học tập chất lượng cao cho sinh viên, Trường Đại học Giao thông vận tải hướng tới mục tiêu cung cấp cho thị trường nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng hiện nay, việc phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng vai trò then chốt. Đào tạo nguồn nhân lực đạt trình độ quốc tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của giáo dục đại học.

Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về nhân sự chất lượng cao từ các doanh nghiệp, trường Đại học Giao thông vận tải đã chủ động đổi mới nội dung đào tạo, nâng cấp cơ sở vật chất và đẩy mạnh hợp tác với các trường quốc tế mang lại chương trình học tiên tiến và môi trường học tập chất lượng cao cho sinh viên.

Chương trình đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực

Hiện nay 100% các chương trình đào tạo của nhà trường đã được xây dựng đạt chuẩn quốc tế CDIO. Nhà trường đã tiến hành kiểm định 08 chương trình đào tạo, trong đó có 03 chương trình đạt chuẩn quốc tế AUN-QA. Trường Đại học Giao thông Vận tải hiện đang tuyển sinh và đào tạo 33 ngành bậc đại học hệ chuẩn và 11 ngành đào tạo hệ chất lượng cao thuộc các lĩnh vực như: công trình, quản lý xây dựng, vận tải kinh tế, cơ khí, điện - điện tử, công nghệ thông tin, môi trường và an toàn giao thông…..

Đón đầu xu thế dòng vốn nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam và mong muốn hội nhập quốc tế. Năm nay, nhà trường mở thêm hai ngành đào tạo mới là kỹ thuật máy tính và kinh doanh quốc tế. Việc mở rộng chương trình đào tạo không chỉ thể hiện sự tiên phong của nhà trường trong việc đổi mới giáo dục, mà còn tạo ra những cơ hấp dẫn cho sinh viên tự tin bước vào thị trường toàn cầu đầy thách thức và triển vọng.

TS. Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng đào tạo Đại học, Trường ĐH Giao thông Vận tải chia sẻ: “Trong ngành kỹ thuật máy tính, chúng tôi sẽ đào tạo chuyên sâu vào nghiên cứu, thiết kế và kiểm thử chip bán dẫn nhằm đáp ứng các yêu cầu của Chính phủ trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Đối với ngành kinh doanh quốc tế, chúng tôi tự hào với thế mạnh đào tạo về khai thác vận tải và thương mại quốc tế, đồng thời hướng người học với mục tiêu hội nhập toàn cầu.”

"Bên cạnh đó, năm nay lần đầu tiên tại Hà Nội, trường sẽ tổ chức tuyển sinh và đào tạo ngành kiến trúc. Với kinh nghiệm 4 năm đào tạo ngành này tại phân hiệu Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình đào tạo này sẽ trang bị cho sinh viên kiến thức nền tảng về kiến trúc công trình xây dựng, đặc biệt trong lĩnh vực công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho công tác thiết kế, giám sát, tổ chức thi công… Các kỹ năng mềm, hoạt động trải nghiệm phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng sinh viên", TS. Phạm Thanh Hà cho biết thêm.

Các ngành học tại trường Đại học Giao thông Vận tải thường được đào tạo theo chuyên môn sâu và rộng, sinh viên ra trường có thể đảm nhiệm các vị trí nghề nghiệp khác nhau trong một lĩnh vực hoặc các lĩnh vực gần. Việc thay đổi nghề nghiệp trong một lĩnh vực hoặc các lĩnh vực gần một cách chủ động trên cơ sở có nền tảng kiến thức cơ bản có thể giúp người lao động nâng cao kinh nghiệm, năng lực bản thân toàn diện.

TS. Phạm Thanh Hà (ngoài cùng bên trái), PGS.TS Nguyễn Thị Hòa (thứ 2 từ phải sang) và ông Trịnh Xuân Lộc, Trưởng ban nhân sự, Tập đoàn Đạt Phương (ngoài cùng bên phải) tại phòng thu của VOV2 (5/2024 )

Đánh giá về năng lực làm việc của sinh viên trường Đại học Giao thông Vận tải, Ông Trịnh Xuân Lộc, Trưởng ban nhân sự, Tập đoàn Đạt Phương với hơn 20 năm trong lĩnh vực xây dựng và đầu tư năng lượng cho biết: “Nền tảng kiến thức của sinh viên trường Đại học Giao thông Vận tải khá vững chắc. Vì vậy, các em có thể thích ứng một cách linh hoạt với các yêu cầu khắt khe của thị trường lao động. Thông qua các chương trình đào tạo liên kết quốc tế như công trình cầu đường Anh, Pháp của nhà trường, sinh viên sau khi tốt nghiệp có trình độ cao hơn mặt bằng chung xã hội, đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại tập đoàn chúng tôi”.

Với sứ mệnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ chất lượng cao theo xu thế hội nhập, có trách nhiệm xã hội nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành giao thông vận tải và đất nước. Trường Đại học Giao thông Vận tải xây dựng mục tiêu trở thành trường đại học đa ngành, khẳng định vị thế uy tín hàng đầu Việt Nam, ngang tầm châu Á trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Các hoạt động tọa đàm với chuyên gia và các doanh nghiệp thường xuyên được tổ chức tại trường ĐH Giao thông vận tải

Tăng cường hợp tác trao đổi sinh viên

Xây dựng các chương trình liên kết quốc tế là điểm khởi đầu hoàn hảo cho việc đào tạo nhân lực trong thời kỳ hội nhập. Sinh viên sẽ được học tập trong chương trình đào tạo cập nhật mới nhất, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như giáo trình, giảng viên, cơ sở vật chất, hệ thống giáo dục… với mức học phí sẽ rẻ hơn rất nhiều so với việc đi du học.

Năm 2024, Trường Đại học Giao thông Vận tải triển khai tuyển sinh và tổ chức thực hiện 03 Chương trình liên kết quốc tế với các trường lần lượt là Trường Đại học EM Normandie (Cộng hòa Pháp); Trường Đại học Bedfordshire, (Vương quốc Anh); Trường Đại học Dongyang, (Hàn Quốc).

Trường Đại học Giao thông Vận tải đã đẩy mạnh đào tạo chất lượng cao chuyên sâu các chuyên ngành như Cầu – Đường bộ Việt – Anh, Cầu đường bộ Việt Pháp, Vật liệu xây dựng và công nghệ Việt – Pháp, Chương trình tiên tiến ngành kỹ thuật xây dựng… Qua các chương trình này, sinh viên được tăng cường khả năng chuyên môn bằng ngoại ngữ, có nhiều cơ hội đi thực tập tại các công trình xây dựng, được nhiều cơ hội học bổng trong quá trình học tập, cũng như được học bổng thạc sĩ, tiến sĩ sau khi tốt nghiệp.

PGS. TS. Nguyễn Thị Hòa, Trưởng phòng khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo, trường ĐH Giao thông Vận tải khẳng định: “Tham gia chương trình học liên kết, sinh viên được mở rộng trải nghiệm học tập ở cả Việt Nam và nước ngoài. Với tấm bằng quốc tế, các em có cơ hội tìm kiếm việc làm trong môi trường chuyên nghiệp và nhiều cơ hội thăng tiến. Phụ huynh hoàn toàn có thể yên tâm khi con em tham gia chương trình này. Vì trước khi sang du học năm cuối, sinh viên đã có thời gian tích lũy kiến thức và kinh nghiệm sống ở Việt Nam từ 2-3 năm.”

Trường ĐH Giao thông Vận tải là một trong số các trường đại học đi đầu về chuyển đổi số giáo dục đại học, áp dụng công nghệ mới vào chương trình đào tạo. Từ năm 2020, trường Đại học Giao thông vận tải đã xác định quản trị theo mô hình nhà trường điện tử. Đầu tư phòng studio hiện đại để xây dựng bài giảng điện tử và số hóa nguồn học liệu.

Bắt nhịp với xu hướng mới, trường Đại học Giao thông Vận tải tích cực triển khai các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo và Internet of Things (IoT) vào đổi mới chương trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng học tập và giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Nhằm đồng bộ hóa hạ tầng công nghệ thông tin với hệ thống cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, thời gian qua nhà trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đầu tư dự án xây dựng hệ thống phòng học thông minh với tổng mức đầu tư gần 70 tỷ đồng.

Lễ khánh thành và đưa vào sử dụng Trung tâm đào tạo KONE Việt Nam tại Trường ĐH GTVT

Với mục tiêu “Hội nhập và Phát triển”, hoạt động hợp tác quốc tế của trường luôn được quan tâm chú trọng, đa dạng hóa trên nhiều lĩnh vực. Nhà trường luôn duy trì và thiết lập quan hệ hợp tác mới với các đối tác quốc tế. Hiện nay trường có quan hệ hợp tác với gần 60 đối tác trên khắp thế giới, tại các quốc gia như: Mỹ, Anh, Đức, Nga, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, Singapore,… nhằm thực hiện các chương trình hợp tác đào tạo sinh viên, đào tạo giảng viên, hiện đại hóa trang thiết bị thí nghiệm phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Năm 2024, chỉ tiêu tuyển sinh các chương trình đại trà và chất lượng cao của trường Đại học Giao thông vận tải là 6000 (tại Hà Nội: 4500, tại Phân hiệu Thành phố Hồ Chí Minh: 1500); Chỉ tiêu tuyển sinh các chương trình liên kết quốc tế: 90.
 

Thu Lương - Ngọc Nam
 

Nguồn: 

https://vov2.vov.vn/giao-duc-dao-tao/dao-tao-nhan-luc-san-sang-cho-hoi-nhap-quoc-te-48468.vov2