KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TRƯỜNG ĐẠI HỌC GIAO THÔNG VẬN TẢI

Khoa học và công nghệ (KHCN) là động lực chính cho phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế, đặc biệt, khoa học ứng dụng là cần thiết để nâng cao tính cạnh tranh và bền vững trong phát triển kinh tế cho đất nước. Do vậy, cùng với phát triển đào tạo, phát triển KHCN là chiến lược được ưu tiên hàng đầu của trường Đại học Giao thông vận tải (ĐH GTVT) với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện các mặt công tác để phát triển thành trường đại học tự chủ, theo định hướng nghiên cứu; khẳng định vị thế hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực giao thông vận tải, có uy tín và chất lượng đạt chuẩn Châu Á.

Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, trường ĐH GTVT đã xây dựng được thương hiệu mạnh ở Việt Nam về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đặc biệt trong lĩnh vực GTVT. Một đội ngũ gồm những chuyên gia hàng đầu được đào tạo liên tục để đáp ứng tiêu chuẩn hội nhập quốc tế, một số phòng thí nghiệm trọng điểm được trang bị các thiết bị thí nghiệm tiên tiến, hiện đại hoá có khả năng triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ nghiên cứu phức tạp. Những sản phẩm KHCN của Nhà trường qua từng thời kỳ được hình thành từ ý tưởng sáng tạo, thiết kế độc đáo, tiện ích thực tế ngày càng được áp dụng rộng rãi trong ngành GTVT. Cùng với công tác nghiên cứu, Nhà trường đã thành công trong việc đưa vào ứng dụng phục vụ sản xuất của ngành GTVT các loại vật liệu mới, công nghệ mới trong xây dựng, quản lý, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT như các nghiên cứu về hiện tượng và các giải pháp xử lý vệt hằn lún bánh xe trên mặt đường bê tông nhựa, sửa chữa mặt cầu Thăng Long, chương trình KHCN cấp bộ về thiết kế, xây dựng và sửa chữa cầu bê tông cốt thép đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, giao thông thông minh, … Giai đoạn gần đây Trường đã có 01 bằng sáng chế,  01 giải pháp hữu ích, 01 nhãn hiệu và 01 quyền tác giả được cấp.

Nhiều đề tài cấp Nhà nước, hàng trăm đề tài cấp Bộ, rất nhiều nhiệm vụ KHCN đột xuất theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, các chủ đầu tư, các nhà thầu trong và ngoài nước đã được Nhà trường triển khai thành công. Hoạt động KHCN không những đã đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phù hợp với chiến lược phát triển của ngành GTVT và chiến lược phát triển KHCN Quốc gia mà còn gắn kết với đào tạo, hỗ trợ NCS, ThS và đào tạo nâng cao trình độ cho giảng viên của trường ĐH GTVT.

Bên cạnh đó Nhà trường thường xuyên tổ chức các hội thảo quốc tế, tham quan, học tập thực tế, trao đổi kinh nghiệm về NCKH có sự tham gia từ các nước có nền KHCN phát triển như Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc… tại Việt nam cũng như tại các nước đối tác. Hoạt động hợp tác quốc tế là những cơ hội quý giá cho sinh viên tham gia NCKH, tiếp tục theo học các chương trình đào tạo đại học và sau đai học trong nước và quốc tế.

Ngoài việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ KHCN, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững, Nhà trường liên tục khuyến khích, có chế độ, chính sách để CBGV công bố quốc tế các kết quả nghiên cứu, đặc biệt là các bài báo thuộc danh mục WoS và Scopus. Hàng năm số lượng bài báo quốc tế có uy tín của Nhà trường đều tăng từ 30-50% góp phần đáng kể vào việc tăng thứ hạng công bố cũng như tăng thứ hạng xếp hạng đại học cho Trường Đại học GTVT. Năm 2019 Trường đứng thứ 14 trong Bộ Giáo dục và Đào tạo về số lượng bài báo ISI/WoS được khen thưởng, đứng thứ 19 cơ sở giáo dục Đại học cả nước (gồm các Đại học và Trường Đại học) về công bố quốc tế trong Cơ sở dữ liệu Scopus. Tạp chí KHGTVT của Nhà trường, từ 2019, hàng năm đã xuất bản được 9 số online theo tiêu chuẩn quốc tế và được chấp nhận vào danh mục ACI (Asean Citation Index) từ tháng 10 năm 2021.

Trung bình có hơn 500 đề tài NCKH của sinh viên được nghiệm thu qua từng năm, nhiều công trình đã đạt được giải cao trong các cuộc thi cấp Bộ, quốc gia, quốc tế và tại các cuộc thi khác như lái xe sinh thái, tiết kiệm năng lượng, Olympic tin học, Cơ học, Tin học, Vật lý, Toán, Ý tưởng sáng tạo trẻ...

Giai đoạn vừa qua Nhà trường đã xây dựng một hệ thống các văn bản quản lý KHCN trong trường và đã đưa vào thực hiện nhiều giải pháp đổi mới hoạt động KHCN,  xây dựng cơ sở dữ liệu KHCN điện tử và ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong công tác quản lý NCKH; đổi mới quy trình xét duyệt đề tài NCKH cấp Trường; thực hiện chủ trương đề tài cấp Trường trọng điểm nhằm tăng cường các công bố quốc tế có uy tín, bằng độc quyền sở hữu trí tuệ và sản phẩm CGCN ... Phát triển khoa học công nghệ luôn được xác định là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong lộ trình tự chủ và trong chiến lược phát triển chung của Nhà trường.

Một số hình ảnh về KHCN:

                                     

Trạm trộn bê tông nhựa nóng do Trường nghiên cứu thiết kế và chuyển giao công nghệ cho các công ty trong ngành  GTVT (giải Nhất VIFOTEC năm 1997)

                                      

                                                         Máy ép cọc bấc thấm – công trình KHCN đạt giải nhất VIFOTEC năm 1996

              Trao thưởng cho đại diện các tập thể đạt thành tích cao trong hoạt động KHCN giai đoạn 2018-2020

  Trường ĐH GTVT tham gia triển lãm sản phẩm KHCN tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam năm 2020

                                                  Các nhà khoa học, các đại biểu tham dự Hội nghị ICSCE 2020 chụp hình lưu niệm

                                            Các đại biểu tham dự Hội thảo quốc tế AITC 2020 chụp hình lưu niệm

                                      Giao diện mới của trang web Tạp chí Khoa học Giao thông vận tải https://tcsj.utc.edu.vn/

Lãnh đạo Bộ GTVT và Tổng cục đường bộ VN tham quan trung tâm thí nghiệm mô hình giải pháp sửa chữa mặt cầu Thăng Long của Trường Đại học Giao thông vận tải

Trường ĐH GTVT giành giải đặc biệt Cuộc thi “Lái xe sinh thái Tiết kiệm nhiên liệu Honda 2014”

   Nhóm sinh viên đạt giải “Sinh viên nghiên cứu khoa học” cấp Bộ cùng GV hướng dẫn nhận giải trong Lễ tổng kết và trao giải thưởng tại Trường ĐHSP Thành phố Hồ Chí Minh tháng 11/2020