Ngày 9/1 Trường Đại học Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp Trường Đại học Giao thông Tây Nam (Trung Quốc) tổ chức Hội thảo quốc tế Xây dựng đường sắt tốc độ cao tại Việt Nam và Kinh nghiệm của Trung Quốc.

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo thu hút sự tham gia đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các doanh nghiệp chủ lực trong lĩnh vực đường sắt tại Việt Nam: Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), Tổng Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam (TEDI SOUTH), Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Binh đoàn 12, Tổng công ty Thành An (Binh đoàn 11), Tổng công ty Thăng Long, Công ty Cổ phần FECON, Công ty Cổ phần LIZEN, Công ty CP tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định Xây dựng (CONINCO) cùng các chuyên gia uy tín trong lĩnh vực đường sắt tốc độ cao từ Trung Quốc, Cộng hòa Pháp và Việt Nam.

Hội thảo là sự kiện khoa học công nghệ quan trọng, thể hiện quyết tâm và sự cam kết của Trường Đại học GTVT - trường đại học đầu ngành của cả nước trong nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ lĩnh vực đường sắt tại Việt Nam. Đây là bước hiện thực hóa trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 31/10/2023 của Chính phủ và Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, thể hiện trách nhiệm của nhà khoa học trong và ngoài nước trong việc thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao 350 km/h trên trục Bắc - Nam đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thông qua tại Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 20/9/2024 và được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư ngày 30/11/2024.

Trường Đại học Giao thông vận tải là đơn vị truyền thống trong đào tạo, nghiên cứu về giao thông vận tải; đặc biệt là trường đại học duy nhất đào tạo, nghiên cứu đầy đủ các lĩnh vực của ngành đường sắt tại Việt Nam. Giai đoạn vừa qua: thực hiện yêu cầu của Chính phủ về việc chuẩn bị nguồn nhân lực và nắm bắt những công nghệ lõi, trường ĐHGTVT đã chủ động thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Cố vấn và Tiểu Ban Xây dựng Đề án Phát triển chương trình đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị; phân tích các chương trình đào tạo tiên tiến của Trung Quốc, CHLB Đức, CH Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản và kết hợp với kinh nghiệm hơn 60 năm đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực đường sắt tại Việt Nam để hoàn thiện các chương trình đào tạo đường sắt đã có, đồng thời xây dựng và công bố mới 5 chương trình đào tạo cho tất cả các lĩnh vực của đường sắt tốc độ cao gồm: kỹ thuật xây dựng đường  sắt, phương tiện đường sắt, hệ thống điện, thông tin tín hiệu và khai thác vận tải. Trường ĐHGTVT cũng đã hợp tác với trường ĐH Giao thông Tây Nam và Công ty Đường sắt Trường Xuân – Trung Quốc về việc xây dựng trung tâm nghiên cứu/ đào tạo và thành lập phòng thí nghiệm trọng điểm về đường sắt tại trường ĐHGTVT.

PGS. TS. Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT phát biểu

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT nhấn mạnh, với mục tiêu giúp tổng kết những bài học thành công của hệ thống đường sắt tốc độ cao Trung Quốc, để từ đó gợi mở những giải pháp kỹ thuật tối ưu áp dụng cho dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, dự án trọng điểm quốc gia của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Tại hội thảo, những vấn đề kĩ thuật công nghệ cốt lõi của đường sắt tốc độ cao như: Kinh nghiệm xây dựng hệ thống tiêu chuẩn đường sắt tốc độ cao tại Trung Quốc; các giải pháp kỹ thuật trong xử lý nền đường sắt tốc độ cao tại Trung Quốc và châu Âu; vấn đề lựa chọn kết cấu công trình và phương tiện đường sắt, vấn đề tiếp xúc tàu - đường ray; giải pháp điều khiển - tín hiệu, điện khí hóa trong đường sắt tốc độ cao và những vấn đề khoa học kỹ thuật quan trọng khác đã được thông tin, trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm, giúp làm sáng tỏ nhiều vấn đề kĩ thuật hiện đại, phức tạp và liên ngành, giúp củng cố nền tảng khoa học kĩ thuật và tiến thêm một bước vững chắc đến việc xác lập vị thế làm chủ công nghệ cốt lõi của đường sắt tốc độ cao tại Việt Nam, PGS. TS. Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

GS.TS Bùi Tiến Thành - Khoa Công trình Trường Đại học GTVT trình bày báo cáo Các đề xuất kỹ thuật chính cho Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam

Trước và sau hội thảo, khóa đào tạo ngắn hạn về thiết kế đường sắt tốc độ cao được Trường Đại GTVT và Trường Đại học Giao thông Tây Nam đồng tổ chức đã thu hút sự tham gia của hơn 100 kĩ sư, nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, công ty doanh nghiệp; cung cấp những kiến thức bổ ích về tiêu chuẩn đường sắt tốc độ cao, thiết kế nền, kết cấu phần trên, cầu và hầm đường sắt tốc độ cao theo tiêu chuẩn Trung Quốc và châu Âu, đáp ứng với nhu cầu kiến thức thực tiễn của ngành Đường sắt Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Hội thảo lần này là diễn đàn khoa học khởi đầu cho các diễn đàn khoa học quốc tế tiếp theo do Trường Đại học GTVT kết hợp tổ chức với các đối tác truyền thống của Nhà trường trong lĩnh vực đường sắt như: Đại học Giao thông (Cộng hòa liên bang Nga), Đại học Bách khoa Haut de France và Tập đoàn Dassault Systèmes (Cộng hòa Pháp), Đại học Kỹ thuật TU Dresden và TU Damstadt (Cộng hòa liên bang Đức) về đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị sẽ được tổ chức trong thời gian tới nhằm thực hiện nhiệm vụ tiên phong trong tiếp nhận và chuyển giao công nghệ cốt lõi trong lĩnh vực đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị của Trường Đại học GTVT - đơn vị sớm nhất và duy nhất của cả nước thực hiện nhiệm vụ đào tạo tất cả các chuyên ngành của lĩnh vực đường sắt tại Việt Nam.