Chiều 5/8/2024 tại trụ sở Binh đoàn 12 - Tổng công ty xây dựng Trường Sơn đã diễn ra Lễ khai giảng lớp Kỹ sư đường sắt xét tuyển đợt tháng 7/2024.

Các đại biểu và học viên tham dự Lễ khai giảng chụp ảnh lưu niệm

Tham dự Lễ khai giảng về phía Trường Đại học Giao thông vận tải có GS.TS.NGND Nguyễn Ngọc Long - Hiệu trưởng; PGS.TS Nguyễn Thanh Chương - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS Lê Hoài Đức - Phó Hiệu trưởng; PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - Phó Hiệu trưởng, cùng các đồng chí đại diện các khoa, phòng ban chức năng của nhà trường, các thầy cô giảng viên Bộ môn Đường sắt.

Về phía Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn có Thiếu tướng TS Nguyễn Hữu Ngọc - Tư lệnh Binh đoàn, Tổng Giám đốc; chỉ huy các đơn vị thuộc binh đoàn và 59 học viên lớp Kỹ sư đường sắt.

Các đại biểu tham dự chương trình

Giao thông vận tải đường sắt Việt Nam có lịch sử lâu đời với trên 140 năm hình thành và phát triển. Tuyến đường sắt đầu tiên của Việt Nam cũng là tuyến đường sắt đầu tiên của khu vực Đông Dương với chiều dài 71 km nối từ Sài Gòn tới Mỹ Tho. Có giai đoạn, đường sắt Việt Nam được đồng bộ cả về vật chất, kỹ thuật, nhân lực; giữ vai trò quan trọng với 30% tổng thị phần của ngành giao thông; đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Mạng lưới đường sắt Việt Nam đã phát triển và phân bổ theo 7 trục chính với tổng chiều dài hơn 3160 km; trong đó có 2700 km đường chính tuyến, 459,7 km đường nhánh và đường ga. Phần lớn hạ tầng giao thông đường sắt Việt Nam là khổ đường đơn (1.000 mm) chiếm đa số với 85% tổng chiều dài đường chính tuyến và đường ga; chỉ có 6% là khổ đường 1.435 mm và 9% là khổ đường lồng (1.435 mm và 1.000 mm). Mặc dù từng là lực lượng chủ lực của hệ thống giao thông Việt Nam, nhưng đến nay hạ tầng đường sắt nhiều nơi đã xuống cấp thiếu an toàn, nhiều đoạn đường cong bán kính quá nhỏ, độ dốc lớn, tải trọng hạn chế; cầu, hầm bị phong hóa rò rỉ nước; đặc biệt đường sắt giao cắt bằng với đường bộ và đường dân sinh có mật độ rất cao, là những nguyên nhân chủ yếu hạn chế tốc độ chạy tàu và đe dọa an toàn giao thông đường sắt.

Mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì đến năm 2030 Việt Nam cần nâng cấp, cải tạo bảo đảm an toàn chạy tàu 07 tuyến đường sắt hiện có; triển khai đầu tư hai đoạn ưu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (Hà Nội - Vinh, Nha Trang - Thành phố Hồ Chí Minh); ưu tiên xây dựng một số tuyến đường sắt kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế đặc biệt khu vực Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu; kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với Cần Thơ, kết nối quốc tế với Trung Quốc, Lào và Campuchia phù hợp với các hiệp định vận tải quốc tế và đồng bộ với tiến độ đầu tư của các nước trong khu vực. Tầm nhìn đến năm 2050, hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; tiếp tục đầu tư hoàn thành các tuyến đường sắt mới tại khu đầu mối Hà Nội, khu đầu mối Thành phố Hồ Chí Minh, đường sắt kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, kết nối các tỉnh Tây Nguyên, đường sắt ven biển, đường sắt kết nối quốc tế. Điều này đặt ra yêu cầu rất lớn về nguồn lực đầu tư và cần sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp, địa phương.

Lễ khai giảng lớp kỹ sư đường sắt 7/2024 nằm trong Chiến lược phát triển của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn và cụ thể hóa các thỏa thuận về hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, tư vấn chuyển giao công nghệ và hợp tác hỗ trợ đào tạo, tuyển dụng sinh viên giữa Tổng công ty với Trường Đại học Giao thông vận tải.

GS.TS.NGND Nguyễn Ngọc Long - Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT phát biểu

Phát biểu tại Lễ khai giảng GS.TS.NGND Nguyễn Ngọc Long - Hiệu trưởng Nhà trường khẳng định: Trường Đại học GTVT đã trở thành một trường đại học có chất lượng và uy tín cao trong hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam, là trường đứng đầu cả nước về lĩnh vực giao thông vận tải; đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ trong lĩnh vực giao thông vận tải mà còn các ngành kinh tế khác. Trường Đại học GTVT có tiềm năng lớn và có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học thuộc các lĩnh vực của ngành Giao thông vận tải.

Trường Đại học GTVT và Binh đoàn 12 đã có lịch sử gắn bó lâu dài từ những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đoàn giảng viên, sinh viên của Trường - Đoàn TS 73 cùng với công binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến (Binh đoàn 12) tham gia xây dựng hệ thống giao thông (Đường Trường Sơn hay Đường Hồ Chí Minh) phục vụ chiến trường miền Nam. Rất nhiều công trình của Nhà trường trong giai đoạn lịch sử này như giải pháp cầu dây lát ván thi công nhanh, giải pháp sử dụng cừ tràm gia cố nền đất được ứng dụng ngay tại những cung đường vận tải ác liệt nhất của thời chiến, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp thống nhất đất nước. Tiếp nối truyền thống, Trường Đại học GTVT và Binh đoàn 12 đã cùng nhau ký kết thỏa thuận hợp tác về đào tạo và nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức các hội nghị hội thảo...Và hôm nay hai bên tổ chức khai giảng lớp kỹ sư đường sắt nhằm chuẩn bị nguồn lực, xây dựng đội ngũ chuyên gia, kỹ sư tư vấn, thiết kế thi công kịp thời tiếp cận và chủ động tham gia các dự án về đường sắt trong thời gian tới.

GS.TS.NGND Nguyễn Ngọc Long bày tỏ hy vọng chương trình hợp tác lần này là công tác chuẩn bị nguồn nhân lực nhanh nhất, hiệu quả nhất trong việc đào tạo, bổ sung kiến thức tại chỗ cho các cán bộ, kỹ sư của Binh đoàn 12 và cam kết cử các giảng viên có kinh nghiệm tham gia công tác giảng dạy và hỗ trợ tốt nhất cho học viên của khóa học.

 

Thiếu tướng, TS Nguyễn Hữu Ngọc - Tư lệnh Binh đoàn 12, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn phát biểu

Thiếu tướng, TS Nguyễn Hữu Ngọc - Tư lệnh Binh đoàn 12, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn khẳng định Chiến lược phát triển của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ sở hạ tầng của đất nước đặc biệt là cơ sở hạ tầng đường sắt  theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thiếu tướng, TS Nguyễn Hữu Ngọc bày tỏ mong muốn Trường Đại học Giao thông vận tải xây dựng chương trình và cách thức tổ chức đào tạo phù hợp để các học viên có thể đảm bảo lượng kiến thức và hoàn thành khóa học đúng thời hạn.

Đ/c Đại úy Trần Văn Hiếu - Phó GĐ Ban QLDA đại diện cho các học viên lớp Kỹ sư đường sắt phát biểu thể hiện quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ

Lãnh đạo Binh đoàn 12 - Tổng công ty xây dựng Trường Sơn tặng quà lưu niệm cho Trường Đại học Giao thông vận tải