Trong 02 ngày 10-11/04/2025, Lãnh đạo Trường ĐHGTVT đã tham dự Hội thảo Câu lạc bộ Khoa học và Công nghệ các trường đại học kỹ thuật lần thứ 60 tại tỉnh Bình Định do Trường Đại học Quy Nhơn đăng cai tổ chức. Hội thảo với chủ đề “Gắn kết trong nghiên cứu, chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ giữa các trường đại học kỹ thuật lần thứ 60” được tổ chức nhằm mục tiêu tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu trong Câu lạc bộ để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm, đổi mới sáng tạo và phục vụ cộng đồng góp phần phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của các địa phương và đất nước.
Đoàn công tác Trường ĐHGTVT tham dự hội thảo
Bên cạnh các báo cáo tham luận từ đại diện các trường đại học kỹ thuật trong Câu lạc bộ còn có các phát biểu của ông Đỗ Tiến Thịnh – Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), PGS.TS. Phạm Quang Hưng - Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo Tập đoàn Công nghệ TMA, … chia sẻ về định hướng, sự quyết liệt, tạo điều kiện của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc phát triển KHCN trong kỷ nguyên mới, mô hình hợp tác đại học – doanh nghiệp về đào tạo và nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, ….
PGS. Nguyễn Thanh Chương – Chủ tịch Hội đồng Trường, PGS. Nguyễn Văn Hùng – Hiệu trưởng Trường ĐHGTVT nhận hoa chúc mừng từ Ban Tổ chức CLB.
Nhân dịp hội thảo lần này, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - Phạm Anh Tuấn cũng có buổi gặp mặt lãnh đạo các trường đại học thành viên trong CLB vào chiều ngày 11/4/2025, nhằm tăng cường kết nối, trao đổi và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
.jpg)
.JPG)
Điểm nhấn trong chương trình hội thảo là lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai trường đại học hàng đầu về kỹ thuật và công nghệ là Trường Đại học Giao thông vận tải và Đại học Bách khoa Hà Nội với Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAMM) - doanh nghiệp trụ cột trong lĩnh vực cơ khí chế tạo tại Việt Nam về các nội dung: đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp đường sắt; nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ trong lĩnh vực cơ khí chế tạo đường sắt; ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành cơ khí đường sắt tại Việt Nam.
.JPG)
Phát biểu tại lễ ký, PGS. TS. Nguyễn Văn Hùng – Hiệu trưởng Trường ĐHGTVT khẳng định sự kiện hôm nay không chỉ đánh dấu bước khởi đầu của mối quan hệ hợp tác đầy triển vọng giữa hai trường đại học kỹ thuật và doanh nghiệp mà còn khẳng định trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học trong việc góp phần xây dựng và phát triển ngành giao thông vận tải, đặc biệt là lĩnh vực cơ khí đường sắt, nhằm thực hiện mục tiêu của Chính phủ đến năm 2030-2045 phải phát triển được công nghiệp đường sắt.
.JPG)
.jpg)
Có thể nói sự phát triển nhanh chóng của hệ thống đường sắt hiện đại đòi hỏi một nền công nghiệp cơ khí đường sắt vững mạnh, có khả năng làm chủ sản xuất toa xe, đầu máy và hệ sinh thái liên quan đến công nghiệp đường sắt… Trong khi đó Việt Nam vẫn còn bị phụ thuộc nhiều vào công nghệ và thiết bị nhập khẩu, năng lực nội địa hóa còn hạn chế nhất là với các tuyến đường sắt có tốc độ thiết kế trên 200km/h. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư vào nghiên cứu – phát triển, đổi mới sáng tạo, tiếp cận giải mã công nghệ và xây dựng chuỗi cung ứng nội địa vững chắc cho ngành cơ khí đường sắt. Việt Nam cần một chiến lược đồng bộ từ đào tạo đại học, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, nhằm hình thành một ngành công nghiệp đường sắt hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và tự chủ trong tương lai.
.JPG)
Hy vọng rằng, chương trình hợp tác giữa ba bên sẽ xây dựng được các chương trình đào tạo, đề án, dự án nghiên cứu hiệu quả, thiết thực, tiến đến giải mã công nghệ chiến lược, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành công nghiệp đường sắt nước nhà.