Sáng 11/2/2025, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm việc với Trường Đại học Giao thông vận tải về đào tạo nguồn nhân lực đường sắt và thẩm tra dự án Luật đường sắt (sửa đổi).

Toàn cảnh phiên làm việc

Tham dự chương trình làm việc về phía Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội có đồng chí Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm ủy ban cùng các thành viên trong đoàn, về phía các đơn vị quản lý trực thuộc Bộ GTVT có đồng chí Nguyễn Ngọc Đông - Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, đồng chí Trần Thiện Cảnh - Cục trưởng Cục đường sắt Việt Nam cùng các cán bộ đến từ Vụ Pháp chế cục Đường sắt Bộ GTVT; về phía các đơn vị quản lý Nhà nước có đồng chí Vũ Anh Minh - Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đại diện các doanh nghiệp hợp tác với Trường Đại học Giao thông vận tải trong lĩnh vực đường sắt truyền thống, đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao. 

Đồng chí Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu 

Phát biểu mở đầu chương trình làm việc, Đồng chí Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết Luật Đường sắt (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 5/2025 và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) của Quốc hội. thời gian qua, ngành đường sắt phát triển khá tốt và đặt mục tiêu kỳ vọng lớn trong giai đoạn tới. Mới đây Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư, một số chính sách đặc thù đối với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam; đường sắt đô thị tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội.

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu

Phát biểu tại buổi làm việc, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, dù nhu cầu nguồn nhân lực và làm chủ công nghệ lõi trong lĩnh vực đường sắt hiện đại rất lớn, nhưng so với các ngành kỹ thuật, kinh tế khác, sức hút của ngành này với xã hội còn hạn chế.

Quy mô học sinh đăng ký dự tuyển vào các lớp đường sắt chính quy còn chưa cao. Đầu tư của Nhà nước cho đào tạo và phát triển khoa học công nghệ của lĩnh vực đường sắt còn hạn hẹp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành.

Là cơ sở duy nhất tại Việt Nam đào tạo đại học và nghiên cứu đầy đủ các chuyên ngành đường sắt, Trường Đại học Giao thông vận tải có đội ngũ giảng viên, nhà khoa học của nhà trường gồm đầy đủ các lĩnh vực nhưng chỉ có 79 người. Đội ngũ các chuyên gia chuyên ngành gần, có khả năng chuyển sang giảng dạy về đường sắt khi cần thiết khoảng 107 người.

Thống kê tại Trường Đại học Giao thông vận tải cho thấy, có 104 lượt nhu cầu đào tạo về đường sắt hiện đại cho từng lĩnh vực. Tuy nhiên, vấn đề huy động các nguồn lực còn khó khăn do chưa có cơ chế để nâng học phí cho lĩnh vực đường sắt. Đồng thời, đầu tư của nhà nước cho đào tạo giảng viên đường sắt chưa có chính sách đặc thù riêng.

Từ thực tiễn, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng kiến nghị: Xây dựng hệ thống đào tạo đường sắt ở Việt Nam thống nhất do Nhà nước quản lý; trong đó cần giao nhiệm vụ cho một đơn vị đứng vai trò dẫn dắt để chịu trách nhiệm khung chương trình đào tạo và học liệu toàn diện, liên thông tất cả các cấp, bậc đào tạo từ nghiệp vụ, cao đẳng, đại học đến thạc sĩ và tiến sĩ.

Trong hệ thống này, Trường Đại học Giao thông vận tải sẵn sàng hỗ trợ và chia sẻ các chương trình đào tạo đã hoàn thiện với các cơ sở đào tạo khác có nhu cầu. Đầu tư trọng điểm để xây dựng đội ngũ giảng viên và thu hút sinh viên theo học ngành đường sắt.

Theo đó, cần có chính sách miễn, giảm học phí và đảm bảo đầu ra cho sinh viên ngành đường sắt. Đồng thời, tăng thu nhập, tạo cơ chế cho giảng viên, nhà khoa học trong nước tham gia học tập, nghiên cứu tại các quốc gia có ngành đường sắt phát triển và ngược lại. Có cơ chế thu hút các chuyên gia, nhà khoa học ở những nước phát triển vào làm việc tại Việt Nam.

Ngoài ra, cần cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

PGS.TS Ngô Văn Minh – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Đổi mới sáng tạo báo cáo tổng hợp các góp ý và kiến nghị của Nhà trường về đào tạo nguồn nhân lực đường sắt và thẩm tra dự án luật đường sắt sửa đổi

Trao đổi tại buổi làm việc, PGS.TS Ngô Văn Minh – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ chỉ ra một số vấn đề tồn tại lớn trong đào tạo nguồn lực cho đường sắt. 

Thứ nhất là thiếu hụt nhân lực chất lượng cao: Nhiều vị trí quan trọng trong lĩnh vực kỹ thuật, quản lý vận hành, an toàn đường sắt chưa có đủ nhân sự đáp ứng yêu cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến đường sắt cao tốc và đường sắt đô thị. Số lượng sinh viên chọn học tiếp cao học, tiến sĩ rất hạn chế trong tương quan với các chuyên ngành như cầu đường bộ, cầu hầm.

Thứ hai, chương trình đào tạo thiếu tính hiện đại. Nhiều nội dung đào tạo vẫn dựa trên các công nghệ cũ, chưa cập nhật theo tiêu chuẩn quốc tế và xu hướng tự động hóa, gây ra khoảng cách lớn giữa lý thuyết và thực tiễn.

Trong khi đó, các cơ sở đào tạo chưa được đầu tư đồng bộ về trang thiết bị, mô hình thực hành và hệ thống mô phỏng, dẫn đến việc học viên không có cơ hội tiếp cận các công nghệ mới.

Ngoài ra, chưa có chuẩn chương trình đào tạo thống nhất trên cấp độ toàn quốc, có tính liên thông từ thấp lên cao cho lĩnh vực đường sắt. Một số cơ sở chưa đủ nguồn nhân lực, điều kiện và kinh nghiệm cũng đã tổ chức mở lớp, đào tạo về đường sắt để đáp ứng cơ chế thị trường dẫn tới chất lượng đào tạo chưa được như mong muốn.

“Ngành đường sắt, đặc biệt là đường sắt hiện đại (tốc độ cao, đường sắt đô thị) là ngành đào tạo đặc thù, đòi hỏi sự kết hợp giữa đào tạo lý thuyết và đào tạo thực hành. 5 chuyên ngành của lĩnh vực đường sắt gồm xây dựng, phương tiện, điện khí hóa, thông tin tín hiệu, khai thác – vận tải đều yêu cầu nguồn lực rất lớn về trang thiết bị thí nghiệm, thực nghiệm, thực tập. Trung tâm Khoa học công nghệ của Trường Đại học GTVT đã là một trung tâm thí nghiệm lớn trong lĩnh vực đường sắt, tuy nhiên còn rất hạn chế và lạc hậu”.

 

Sau phần trình bày các chuyên đề của Trường Đại học Giao thông vận tải là phần thảo luận và trao đổi giữa các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý. Rất nhiều ý kiến được trình bày có chất lượng với nhiều thông tin hữu ích thể hiện trách nhiệm xã hội cao là những gợi ý cho quá trình kiến tạo pháp luật, chính sách của cơ quan chức năng.

Đồng chí Trần Thiện Cảnh - Cục trưởng Cục đường sắt Việt Nam phát biểu

GS.TS Phạm Văn Ký - Khoa Công trình phát biểu

GS.TS Nguyễn Ngọc Long - Khoa Công trình phát biểu

Đồng chí Nguyễn Ngọc Đông - Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT phát biểu