Ngày 18 tháng 08 năm 2020, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội đã phối hợp với Mạng lưới các Trường Đại học khu vực Đông Nam Á (Asean University Network - AUN) tổ chức hội thảo, lần đầu tiên công bố kết quả đối sánh chất lượng - UPM (University Performance Metrics) và gắn sao 30 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và Đông Nam Á. UPM là sản phẩm do nhóm nghiên cứu của GS. TS. Nguyễn Hữu Đức – nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện với sự tài trợ của Chương trình Khoa học Giáo dục cấp quốc gia.

Được xây dựng với mục tiêu đối sánh chất lượng các cơ sở giáo dục đại học khu vực Đông Nam Á về khả năng đáp ứng các yêu cầu về đổi mới sáng tạo và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hệ thống UPM đã xây dựng bộ tiêu chí và tiến hành thu thập số liệu, phân tích đánh giá định lượng các trường đại học trên 8 nhóm tiêu chuẩn, 56 tiêu chí. Ngoài các tiêu chí cơ bản về đào tạo và nghiên cứu, UPM quan tâm đến cả quản trị chiến lược, hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, các yếu tố của đại học thông minh và chuyển đổi số, mức độ quốc tế hóa và phát triển bền vững theo tiếp cận kiểm định chất lượng và xếp hạng gắn sao; hỗ trợ đối sánh và nhận diện chất lượng đại học một cách toàn diện. Mỗi tiêu chí có mốc chuẩn và trọng số riêng.

- Tiêu chuẩn 1: Quản trị chiến lược - 5 tiêu chí, trọng số 6%.

- Tiêu chuẩn 2: Đào tạo - 15 tiêu chí, trọng số 35%.

- Tiêu chuẩn 3: Nghiên cứu - 4 tiêu chí, trọng số 20%.

- Tiêu chuẩn 4: Đổi mới sáng tạo - 4 tiêu chí, trọng số 11%.

- Tiêu chuẩn 5: Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo - 4 tiêu chí, trọng số 6%.

- Tiêu chuẩn 6: Công nghệ thông tin và tài nguyên số -10 tiêu chí, trọng số 10%.

- Tiêu chuẩn 7: Mức độ quốc tế hóa - 9 tiêu chí, trọng số 6%.

- Tiêu chuẩn 8: Phục vụ cộng đồng - 3 tiêu chí, trọng số 6%.

Trên cơ sở kết quả đánh giá, hệ thống UPM tiến hành gắn từ 1 đến 5 sao năng lực từng lĩnh vực cụ thể và tổng thể của mỗi trường tùy theo định hướng nghiên cứu hoặc ứng dụng.

Tham dự hội thảo, GS.TS. Phùng Xuân Nhạ - Ủy viên Trung ương Đảng – Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao triết lý và quan điểm của bộ tiêu chí xếp hạng UPM, đồng thời biểu dương các trường Đại học của Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia đánh giá, xếp hạng độc lập để có căn cứ hoàn thiện, đổi mới các mặt hoạt động của trường Đại học theo quy định tại Nghị định 99/2019/ NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học.

Là trường Đại học duy nhất trong lĩnh vực Giao thông vận tải của cả nước, một trong bốn trường Đại học khối Kỹ thuật trên địa bàn Hà Nội chủ động tham gia bảng xếp hạng UPM năm 2020, trường Đại học Giao thông vận tải vinh dự nhận được đánh giá 4 sao trên mức tối đa là 5 sao về tổng thể các mặt hoạt động của nhà trường. Trong đó các lĩnh vực hoạt động mạnh, có tính nổi trội của nhà trường được hệ thống UPM ghi nhận bao gồm: đào tạo, quản trị chiến lược, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và phục vụ cộng đồng.

Kết quả đánh giá của UPM một lần nữa khẳng định uy tín, chất lượng của nhà trường, đồng thời khẳng định những cố gắng và bước tiến vững chắc của trường Đại học Giao thông vận tải trong việc thực hiện tầm nhìn trở thành trường đại học đa ngành theo định hướng nghiên cứu, khẳng định vị thế hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực giao thông vận tải, có uy tín và chất lượng ngang tầm Châu Á.

Tham dự buổi lễ công bố, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Long - Hiệu trưởng trường ĐHGTVT đã thay mặt nhà trường tiếp nhận nhận kết quả gắn sao từ GS.TS Nguyễn Hữu Đức, đồng thời ghi nhận những đánh giá độc lập, khách quan của hệ thống UPM về các mặt hoạt động của nhà trường.

             

GS.TS. Nguyễn Hữu Đức - Trưởng nhóm nghiên cứu UPM tặng hoa chúc mừng PGS.TS. Nguyễn Ngọc Long - Hiệu trưởng trường ĐHGTVT.

          

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Long - Hiệu trưởng và PGS.TS. Nguyễn Thanh Chương - Phó Hiệu trưởng nhà trường tiếp nhận kết quả đánh giá 4 sao theo bảng xếp hạng UPM.

                                    

Kết quả gắn sao UPM năm 2020 của trường ĐHGTVT.

 

             

Đoàn cán bộ nhà trường tham dự Hội thảo và Lễ công bố kết quả xếp hạng UPM.

 

Phòng HTQT&NCPT