(ĐHXII) - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã thông qua nhiều văn kiện quan trọng, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm phát triển đất nước trong giai đoạn mới, Nghị quyết Đại hội đã đề cập đến nhiều vấn đề rộng lớn, toàn diện, trong nhiều lĩnh vực, ngoài sự kế thừa quan điểm của các Đại hội trước, còn có những bổ sung, phát triển quan trọng, trong đó có tư duy lý luận mới về khoa học, công nghệ Cụ thể, trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng, lần đầu tiên khoa học, công nghệ được đưa vào một mục riêng (mục VI- Phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ)[1], không gộp vào với các vấn đề khác như: Giáo dục đào tạo, văn hóa, môi trường như trong các Văn kiện Đại hội trước. Việc trình bày thành một mục riêng đã cho thấy tầm quan trọng của khoa học, công nghệ và nhận thức mới của Đảng ta về phát triển khoa học, công nghệ trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Trong tiêu đề mục cũng như trong phần nội dung Văn kiện, Đảng ta thường xuyên sử dụng cụm từ “khoa học, công nghệ” thay cho “khoa học và công nghệ” như trong các văn kiện Đại hội trước. Thay từ “và” bằng dấu phẩy trong cụm từ khoa học, công nghệ không chỉ đơn thuần là cách diễn đạt mà nó cho thấy tư duy của Đảng coi khoa học, công nghệ có quan hệ chặt chẽ với nhau, thâm nhập vào nhau và đôi khi rất khó để tách bạch giữa “khoa học” và “công nghệ”.
Về nội dung của Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã chứa đựng những nhận thức mới về phát triển khoa học, công nghệ: Thứ nhất, trong Văn kiện Đại hội XII, lần đầu tiên Đảng ta khẳng định: “Khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu”.[1] Các Văn kiện Đại hội trước, Đảng ta đã khẳng định khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, tuy nhiên, hoạt động khoa học, công nghệ nước ta thời gian qua vẫn chưa thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Việc huy động nguồn lực của xã hội vào hoạt động khoa học, công nghệ chưa được chú trọng; đầu tư cho khoa học, công nghệ còn thấp, hiệu quả sử dụng chưa cao. Việc đào tạo, trọng dụng, đãi ngộ cán bộ khoa học, công nghệ còn nhiều bất cập. Cơ chế quản lý hoạt động khoa học, công nghệ chậm được đổi mới. Công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển khoa học, công nghệ chưa gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; cơ chế tài chính còn chưa hợp lý... Thứ hai, trong Văn kiện Đại hội XII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “khoa học và công nghệ là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại.”[2] Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã chỉ ra các nhân tố tạo thành động lực: hài hòa lợi ích; phát huy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; phát huy nhân tố con người, vai trò của khoa học - công nghệ... tạo thành động lực tổng hợp để đổi mới và hội nhập. Như vậy, có nhiều nhân tố tạo thành động lực trong quá trình đổi mới và hội nhập, tuy nhiên, tại Văn kiện Đại hội XII, Đảng ta đã chỉ ra và khẳng định khoa học, công nghệ là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại và “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tới ... lấy khoa học, công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu”.[3] Đây là sự đánh giá đúng đắn, khách quan, khoa học vai trò của khoa học, công nghệ trên quan điểm, lập trường chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta. Thứ ba, trong Văn kiện Đại hội XII, lần đầu tiên Đảng ta khẳng định: “Xây dựng chiến lược phát triển công nghệ của đất nước, chiến lược thu hút công nghệ từ bên ngoài và chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên đất nước ta.”[4] Trong bối cảnh môi trường quốc tế cạnh tranh ngày càng gay gắt, công nghệ được xem là công cụ chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội một cách nhanh chóng và bền vững, là bí quyết để mỗi quốc gia phát triển và khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Thực tế này đang đặt ra yêu cầu bức thiết về đổi mới, phát triển công nghệ, nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tạo được ưu thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Nhận thức được yêu cầu này, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương và chính sách lớn nhằm phát triển công nghệ như: Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII về định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhiệm vụ đến năm 2000, Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam đến năm 2010, Luật Khoa học và công nghệ, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 và Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Phải khẳng định rằng, đây là lần đầu tiên Đảng ta đề ra chủ trương xây dựng chiến lược phát triển công nghệ quốc gia. Khi chiến lược này được xây dựng và triển khai trong thực tiễn sẽ tạo ra động lực lớn kích thích thích quá trình đổi mới công nghệ hiện vẫn còn đang rất chậm đổi mới; từ chiến lược này sẽ định hướng cho các chương trình trọng điểm về công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, tự động hóa, công nghệ cơ khí - chế tạo máy... và chắc chắn sẽ góp phần nâng cao năng lực nội sinh trong một số lĩnh vực công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của nhiều ngành kinh tế. Cũng cần thấy rằng, trong Văn kiện Đại hội XII, lần đầu tiên Đảng đã chỉ ra định hướng “chiến lược thu hút công nghệ từ bên ngoài và chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên đất nước ta”. Đây là tư duy mới và là sự “dũng cảm” nhìn thẳng vào sự thật của Đảng, bởi vì trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, thời gian đưa kết quả nghiên cứu vào áp dụng và vòng đời công nghệ ngày càng rút ngắn. Lợi thế cạnh tranh đang thuộc về các quốc gia và các doanh nghiệp biết lợi dụng các công nghệ mới để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu đa dạng và luôn thay đổi của khách hàng. Với tiềm lực hùng mạnh về tài chính và khoa học và công nghệ, các công ty xuyên quốc gia, đa quốc gia đang nắm giữ và chi phối phần lớn thị trường công nghệ tiên tiến. Văn kiện Đại hội XII của Đảng chứa đựng nhiều điểm mới rất phong phú, toàn diện và sâu sắc, trong đó có nội dung phát triển khoa học, công nghệ, làm cơ sở cho quá trình hoạch định chủ trương, đường lối lãnh đạo sự nghiệp đổi mới giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 119. [2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 120 [3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 90 [4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 121. |
||
|
||
Trần Quốc Tuấn (Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng) |
Nguồn http://daihoi12.dangcongsan.vn/