Ngày 6/5/2025 Trường Đại học Giao thông vận tải đã tổ chức chương trình Tọa đàm khoa học với chủ đề “Các vấn đề tiêu chuẩn cho đường sắt hiện đại – Nhu cầu thực tiễn của Việt Nam và kinh nghiệm thế giới” và Ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với các đối tác của Nhà trường.
Các đại biểu tham dự chương trình chụp ảnh lưu niệm
Chương trình có sự tham dự đông đảo của đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, các đối tác của Nhà trường, các nhà khoa học, các cơ quan thông tấn.
Toàn cảnh chương trình Tọa đàm
Phát biểu tại chương trình PGS.TS. Nguyễn Văn Hùng – Hiệu trưởng Nhà trường khẳng định: Đây là sự kiện có ý nghĩa thiết thực, diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt khi ngành đường sắt Việt Nam đang đứng trước thời cơ phát triển vượt bậc, với nhiều chủ trương lớn, quyết sách chiến lược được Đảng, Quốc hội và Chính phủ xác lập một cách đồng bộ và mạnh mẽ.
Hiếm có thời điểm nào trong lịch sử phát triển ngành đường sắt Việt Nam lại chứng kiến những chuyển biến tích cực như hiện nay. Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, Quốc hội đã liên tiếp thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, cùng với đó là hàng loạt nghị định, cơ chế và chính sách nhằm tháo gỡ điểm nghẽn về tiêu chuẩn, công nghệ và huy động nguồn lực – mở đường cho sự cất cánh của ngành đường sắt.
Tại phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo các công trình, dự án đường sắt quan trọng quốc gia ngày 26/4/2025 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi đi một thông điệp hành động rõ ràng:
"Thần tốc hơn nữa, táo bạo hơn nữa; nhìn xa, nghĩ sâu, làm lớn."
Một lần nữa, Thủ tướng đặt trọng tâm vào việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao – những điều kiện tiên quyết để triển khai hiệu quả các dự án đường sắt trọng điểm.
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng – Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu
Trường Đại học Giao thông vận tải, với vai trò là trường đại học trọng điểm duy nhất của cả nước về lĩnh vực giao thông, vận tải; đã và đang chủ động thích ứng, triển khai nhiều giải pháp đột phá nhằm đáp ứng yêu cầu mới:
Nhà trường đã chính thức công bố 5 chương trình đào tạo kỹ sư các lĩnh vực đường sắt hiện đại, góp phần đổi mới sâu sắc nội dung, phương pháp đào tạo, hướng đến các dự án trọng điểm quốc gia.
Từ năm 2024 đến nay, Trường đã phối hợp với các đối tác quốc tế có kinh nghiệm từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Cộng hòa Liên bang Đức, tổ chức chuỗi tọa đàm, hội thảo về tiêu chuẩn thiết kế, công nghệ vật liệu, giải pháp thi công và vận hành, khai thác hệ thống đường sắt hiện đại.
Mô hình liên kết ba nhà – nhà quản lý, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp – cổ điển được Nhà trường nghiên cứu, cải tiến thành mô hình hợp 5 bên, trong đó bổ sung thêm: Bên Chuyển giao công nghệ là các đối tác nước ngoài có năng lực công nghệ cao, đóng vai trò chuyển giao, tư vấn kỹ thuật và kiểm định công nghệ; và Các Đơn vị thụ hưởng là các Bộ chuyên ngành, các địa phương, các ban quản lý dự án, doanh nghiệp vận hành có nhu cầu ứng dụng công nghệ vào thực tiễn và ứng dụng thành công thực tế; từ đó thúc đẩy triển khai các chương trình KHCN quy mô lớn phục vụ chiến lược phát triển hạ tầng của đất nước.
Đặc biệt, Trường đã phối hợp với Vụ KHCN, Môi trường và Vật liệu; Ban QLDA Đường sắt – Bộ Xây dựng tiếp nhận và biên dịch 88 tiêu chuẩn cốt lõi của đường sắt điện khí hóa và 29 tiêu chuẩn đường sắt tốc độ cao Trung Quốc, bước đầu hình thành nền tảng kỹ thuật cho cộng đồng kỹ sư trong nước.
Thay mặt Nhà trường, PGS.TS. Nguyễn Văn Hùng – Hiệu trưởng gửi lời cảm ơn tới các đơn vị chức năng của Bộ Xây dựng, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, đặc biệt là Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Vật liệu xây dựng, Cục Kinh tế – Quản lý đầu tư xây dựng, các Ban Quản lý Dự án đã phối hợp chặt chẽ cùng Nhà trường trong việc tổ chức tọa đàm; các nhà tài trợ chính: Công ty PortCoast, Tập đoàn Đại Dũng, TEDI South và Công ty Vinafore; các đối tác tham dự lễ ký kết hợp tác với Trường ĐHGTVT. Sự hiện diện, hỗ trợ và hợp tác của các đơn vị, tổ chức, đối tác là minh chứng rõ nét cho sức mạnh liên kết giữa các bên, vì mục tiêu chung phát triển hệ thống đường sắt hiện đại tại Việt Nam.
PGS.TS. Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng trao giấy chứng nhận cho các đơn vị tham gia tài trợ cho chương trình
Sau phần khai mạc chương trình, đã diễn ra lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Trường Đại học Giao thông vận tải và các đối tác của Nhà trường bao gồm: Ban Quản lý Đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải, Công ty Cổ phần Đầu tư Phan Vũ.
Ký kết hợp tác chiến lược giữa Trường Đại học Giao thông vận tải với Ban Quản lý Đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 Thành phố Hồ Chí Minh
Ký kết hợp tác chiến lược giữa Trường Đại học Giao thông vận tải với Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải
Ký kết hợp tác chiến lược giữa Trường Đại học Giao thông vận tải với Công ty Cổ phần Đầu tư Phan Vũ
Theo thỏa thuận vừa ký kết, Trường Đại học Giao thông vận tải cùng các đối tác sẽ hợp tác tiến đến làm chủ công nghệ chiến lược trong việc thiết kế, chế tạo, kiểm thử và tiêu chuẩn hóa các sản phẩm phương tiện đường sắt, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển đường sắt cao tốc và đô thị. Mục tiêu là từng bước nội địa hóa toàn bộ chuỗi giá trị – từ thiết kế kỹ thuật đến sản xuất và kiểm định – góp phần giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong nước. Thông qua việc khai thác thế mạnh của mỗi bên, hợp tác nhằm xây dựng mô hình tích hợp giữa nghiên cứu khoa học, đào tạo chuyên sâu và triển khai sản xuất thực tiễn. Nhà trường đóng vai trò trung tâm trong nghiên cứu nền tảng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, các đối tác là đầu mối ứng dụng/ triển khai sản xuất/vận hành, tổ chức – tạo thành chuỗi liên kết khép kín, hiệu quả và có chiều sâu, hướng tới xây dựng một hệ sinh thái hoàn chỉnh cho ngành công nghiệp đường sắt Việt Nam. Việc phát triển đồng bộ các yếu tố này sẽ là nền tảng quan trọng góp phần để Việt Nam xây dựng các tuyến đường sắt hiện đại của đất nước và tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng có tính độc lập, tự chủ và khả năng phát triển bền vững.
PGS.TS Nguyễn Thanh Chương - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường tặng quà lưu niệm cho các đối tác ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Nhà trường
Trong phần tọa đàm các thành viên tham dự đã được nghe và trao đổi với các diễn giả hàng đầu trong và ngoài nước, những người đã và đang trực tiếp tham gia xây dựng, vận hành và phát triển hệ thống đường sắt hiện đại ở trong nước và quốc tế: Nghị định hướng dẫn thiết kế FEED do ThS. Bùi Văn Dưỡng – Phó Cục trưởng Cục Kinh tế – Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng trình bày; Chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số trong lĩnh vực đường sắt do ông Trần Tấn Phúc – Chủ tịch HĐQT PortCoast trình bày; Giới thiệu cấu trúc, sự hình thành và thực tế áp dụng hệ thống tiêu chuẩn đường sắt tại châu Âu do TS. Trần Khánh Lê – Chuyên gia SNCF (Pháp) trình bày; Chia sẻ kinh nghiệm thực tế về nhu cầu xây dựng khung tiêu chuẩn thống nhất cho đường sắt đô thị - do TS. Phan Hữu Duy Quốc – Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Xây dựng số 1 trình bày; Hệ thống quan trắc an toàn đường sắt tại Đài Loan do TS. Wang Rou-Zen – chuyên gia Viện Nghiên cứu Quốc gia Đài Loan – Trung Quốc trình bày.
ThS. Bùi Văn Dưỡng – Phó Cục trưởng Cục Kinh tế – Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng trình bày nội dung Nghị định hướng dẫn thiết kế FEED
Ông Trần Tấn Phúc – Chủ tịch HĐQT PortCoast chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số trong lĩnh vực đường sắt
Buổi tọa đàm khoa học là dịp quý báu để cộng đồng khoa học, cơ quan quản lý và doanh nghiệp cùng nhau chia sẻ, thảo luận, tổng kết các vấn đề kĩ thuật trong quá trình xây dựng các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, rút ra những bài học kinh nghiệm quan trọng cho việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn phù hợp với điều kiện Việt Nam, đồng thời hội nhập với xu hướng quốc tế.
PGS.TS Lê Hoài Đức - Phó Hiệu trưởng Nhà trường tặng quà lưu niệm cho các diễn giả chương trình Tọa đàm