Ngày 20/2/2025, Trường Đại học GTVT tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề "Kinh nghiệm trong phát triển vận tải và điều khiển đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị của Trung Quốc"
Các đại biểu tham dự buổi Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm
Tham dự buổi tọa đàm có các giáo sư, chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực kinh tế, quy hoạch, khai thác vận hành đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị của Trường Đại học Giao thông Bắc Kinh, Hiệp hội Đường sắt đô thị Trung Quốc và Việt Nam.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, PGS. TS. Nguyễn Thanh Chương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường cho biết: GTVT nói chung, đặc biệt là hệ thống đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị, đóng vai trò then chốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Trong bối cảnh, đô thị hóa nhanh chóng và nhu cầu kết nối vùng ngày càng cao, việc xây dựng và vận hành hệ thống đường sắt hiện đại, hiệu quả là một trong những nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững.
Phát triển hệ thống giao thông vận tải đường sắt hiện đại, bền vững là tinh thần của Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 178/NQ-CP của Chính phủ về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nhận thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ này, Trường Đại học GTVT đã chủ động hoàn thiện chương trình đào tạo tích hợp đường sắt hiện đại; đồng thời, tích cực hợp tác với các trường đại học, tổ chức quốc tế nhằm nghiên cứu, chia sẻ tri thức và tiến tới làm chủ công nghệ cốt lõi về đường sắt hiện đại.
PGS. TS. Nguyễn Thanh Chương - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường phát biểu khai mạc chương trình
Tọa đàm đã thu hút sự tham gia thuyết trình của các giáo sư, chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực kinh tế, quy hoạch, khai thác vận hành đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị của Trường Đại học Giao thông Bắc Kinh, Hiệp hội Đường sắt đô thị Trung Quốc và Việt Nam: GS. Wang Chao, Trường Đại học Giao thông Bắc Kinh với chủ đề: Sự phát triển đường sắt tốc độ cao tại Trung Quốc và đầu tư về kinh tế cho đường sắt tốc độ cao. GS. Han Baoming, Trường Đại học Giao thông Bắc Kinh với chủ đề: Lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn quy hoạch tích hợp hệ thống đường sắt vào đô thị tại Trung Quốc. Mr. Jiang Bo, Hiệp hội Đường sắt Đô thị Trung Quốc với chủ đề: Tổng quan về phát triển các hệ thống điều khiển đoàn tàu đường sắt đô thị. TS. Nguyễn Thị Hoài An, Trường Đại học GTVT với chủ đề: Khả năng vận hành liên thông cho mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội - một số đề xuất và giải pháp. TS. Nguyễn Tiến Quý, Trường Đại học GTVT với chủ đề: Công nghệ vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị trong các dự án ODA tại Việt Nam. TS. Vũ Hồng Trường, Trường Đại học GTVT với chủ đề: Kinh nghiệm bước đầu nâng cao hiệu quả khai thác tuyến đường sắt đô thị. PGS. TS. Nguyễn Duy Việt, Trường Đại học GTVT với chủ đề: Vấn đề sử dụng, quản lý, làm chủ, nghiên cứu phát triển các hệ thống thông tin, hệ thống tín hiệu ở Việt Nam.
GS. Wang Chao - Trường Đại học Giao thông Bắc Kinh chia sẻ thành tựu phát triển đường sắt cao tốc tại Trung Quốc
Theo GS. Wang Chao cho biết, thành tựu phát triển đường sắt cao tốc, đến nay Trung Quốc sở hữu mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới với tổng chiều dài hơn 40.000 km vào năm 2024. Việc phát triển đường sắt cao tốc giúp giải quyết tình trạng quá tải giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng và nâng cao chất lượng giao thông công cộng. Đường sắt cao tốc sẽ mang lại nhiều hiệu quả, trong đó cả về kinh tế, xã hội, chính trị… góp phần thúc đẩy phát triển các địa phương nơi các tuyến đường sắt cao tốc đi qua. Bên cạnh đó, về lợi ích đầu tư góp phần giảm thời gian di chuyển, gia tăng hiệu quả kinh tế và giảm phát thải khí nhà kính...
GS. Han Baoming, Trường Đại học Giao thông Bắc Kinh chia sẻ về kinh nghiệm thực tiễn quy hoạch tích hợp hệ thống đường sắt đô thị tại Trung Quốc
Chia sẻ của GS. Han Baoming, Trường Đại học Giao thông Bắc Kinh về kinh nghiệm thực tiễn quy hoạch tích hợp hệ thống đường sắt đô thị tại Trung Quốc đã ứng dụng thành tựu của TOD trong phát triển đường sắt đô thị. Đến năm 2024, Trung Quốc có hệ thống đường sắt đô thị lớn nhất thế giới với hơn 362 tuyến và tổng chiều dài 12.168,77 km. Sự tích hợp giữa đường sắt đô thị và phát triển khu dân cư đã thúc đẩy mô hình phát triển "đa trung tâm". Xu hướng phát triển TOD của Trung Quốc nhằm mục đích tái cấu trúc không gian đô thị, giảm mở rộng đô thị không kiểm soát, hướng tới phát triển khu vực trung tâm kết nối. Đồng thời, thúc đẩy kinh tế địa phương, gia tăng giá trị đất đai và phát triển khu thương mại quanh các ga tàu. Đảm bảo tiếp cận giao thông công cộng cho mọi tầng lớp dân cư. Phát triển bền vững nhằm giảm ô nhiễm và tiết kiệm năng lượng bằng cách khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng.
PGS. TS. Nguyễn Duy Việt - Trường Đại học GTVT trình bày tham luận với chủ đề Vấn đề sử dụng, quản lý, làm chủ, nghiên cứu phát triển các hệ thống thông tin, hệ thống tín hiệu ở Việt Nam
TS. Nguyễn Thị Hoài An - Trường Đại học GTVT trình bày tham luận với chủ đề Khả năng vận hành liên thông cho mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội - một số đề xuất và giải pháp
Ông Jian Bo - Hiệp hội đường sắt Trung Quốc trình bày tham luận với chủ đề Tổng quan về phát triển các hệ thống điều khiển đoàn tàu đường sắt đô thị
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung vào các nội dung quan trọng như: Sự phát triển của đường sắt tốc độ cao tại Trung Quốc và phân tích đầu tư kinh tế; quy hoạch tích hợp giao thông đường sắt đô thị và phát triển đô thị; các giải pháp nâng cao khả năng vận hành liên thông giữa các tuyến đường sắt đô thị tại Việt Nam; những thách thức và giải pháp trong công nghệ khai thác vận hành tuyến đường sắt đô thị sử dụng vốn ODA tại Việt Nam; ứng dụng công nghệ điều khiển đoàn tàu hiện đại trong đường sắt đô thị; Các bài học kinh nghiệm trong nâng cao hiệu quả khai thác đường sắt đô thị; quản lý, nghiên cứu phát triển hệ thống tín hiệu và thông tin đường sắt tại Việt Nam.
GS.TS Trần Đức Nhiệm - Trường Đại học Giao thông vận tải trao đổi thông tin tại buổi tọa đàm
Buổi Tọa đàm đã thu hút đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, kĩ sư làm việc trong lĩnh vực đường sắt tại Việt Nam. Tọa đàm không chỉ là cơ hội để các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đường sắt của hai nước trao đổi kiến thức và kinh nghiệm mà còn mở ra cơ hội hợp tác trong nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.