Phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân

12/08/2016 09:25 SA

Đảng - Đoàn thể

QĐND - Sáng 20-4, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp truyền đạt, giới thiệu chuyên đề “Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) 5 năm 2011-2015 và phương hướng nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020” tại Hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng do Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức.

Những thành tựu KT-XH là không thể phủ nhận

Đánh giá những thành tựu phát triển KT-XH 5 năm (2011-2015), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2011-2015 là kế hoạch 5 năm đầu tiên trong Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2011-2020 của Đảng ta. Mặc dù còn gặp một số khó khăn trong những năm đầu giai đoạn, nhưng về cơ bản, các mục tiêu tăng trưởng của kế hoạch đều đã được hoàn thành. Điển hình là tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) giảm mạnh, từ 18,13% (năm 2011) xuống còn khoảng 2% (năm 2015), thấp nhất trong 15 năm qua. Tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức hợp lý, chất lượng tăng trưởng tiếp tục có bước cải thiện. GDP bình quân 5 năm đạt khoảng 5,9%/năm. Kim ngạch xuất khẩu bình quân 5 năm 2011-2015 ước tăng 18%/năm, cao hơn mức 17,3%/năm trong giai đoạn 2006-2010; tỷ lệ nhập siêu (so với kim ngạch xuất khẩu) giảm từ 10,2% năm 2011 xuống còn 3,6% năm 2015.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo về phát triển kinh tế - xã hội tại hội nghị. Ảnh: TTXVN. 

 

Thủ tướng nêu rõ: Tổng thu ngân sách 5 năm tăng khoảng 2 lần so với giai đoạn 2006-2010. Nợ công tập trung cho đầu tư phát triển vẫn bảo đảm trong giới hạn an toàn theo quy định của Quốc hội. Cán cân thanh toán quốc tế thặng dư cao, dự trữ ngoại hối năm 2015 ước đạt 38 tỷ USD, mức cao nhất trong lịch sử. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm ước đạt 31,2% GDP, tăng 1,8 lần so với giai đoạn 2006-2010. Các vấn đề xã hội được quan tâm đúng mức, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện rõ nét. Trong giai đoạn 2011-2015, hơn 7,8 triệu người được tạo việc làm; tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 2%/năm (các huyện nghèo giảm hơn 4%/năm), đến cuối năm 2015 còn dưới 4,5%.

Công tác bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và xử lý ô nhiễm được quan tâm thực hiện. Năm 2015, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải nguy hại đạt khoảng 75%, chất thải rắn y tế đạt 80%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng được xử lý đạt 92,5%...

Bên cạnh những thành tựu, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ một số hạn chế, khuyết điểm trong phát triển kinh tế, như: Một số chỉ tiêu KT-XH quan trọng đạt thấp so với mục tiêu nghị quyết đề ra. Chất lượng tăng trưởng còn thấp. Kinh tế vĩ mô ổn định chưa thực sự vững chắc. Nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn. Tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm, đột phá chiến lược nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế. Một số vấn đề xã hội bức xúc vẫn chưa được giải quyết, khắc phục...

Mặc dù vẫn còn một số hạn chế, yếu kém nêu trên, nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Những thành tựu trong phát triển KT-XH giai đoạn 2011-2015 là không thể phủ nhận. Đây là những thành tựu rất quan trọng, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển nhanh, bền vững của Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo. Điều này được khẳng định qua các báo cáo đánh giá nhận định không chỉ của Đảng, Nhà nước, Quốc hội mà còn của các tổ chức quốc tế uy tín trên thế giới.

Mục tiêu và các đột phá phải phù hợp với lợi ích của nhân dân

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm tới do Đại hội XII của Đảng đề ra là phù hợp với tình hình phát triển của đất nước, lợi ích của nhân dân. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các đại biểu quán triệt đầy đủ mục tiêu tổng quát và 12 nhiệm vụ trong chiến lược phát triển đất nước 5 năm tới đã được Đại hội XII thảo luận, quyết nghị và thông qua thể hiện trong các văn kiện.

Phân tích, làm rõ những điểm mới, quan trọng về đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước, Thủ tướng nhấn mạnh: Mô hình tăng trưởng trong thời gian tới cần kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế, phát triển nhanh và bền vững; giải quyết hài hòa giữa mục tiêu trước mắt và lâu dài; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thân thiện với môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân...

Về mục tiêu đẩy mạnh CNH-HĐH để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Thủ tướng yêu cầu các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mô hình CNH-HĐH trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) và hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế tri thức, lấy khoa học, công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu; huy động và phân bổ có hiệu quả mọi nguồn lực phát triển. Thủ tướng chỉ rõ: Tiếp tục thống nhất nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN để đến năm 2020, phấn đấu cơ bản hoàn thiện đồng bộ hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN theo các tiêu chuẩn phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; bảo đảm tính đồng bộ giữa thể chế kinh tế và thể chế chính trị, giữa Nhà nước và thị trường; bảo đảm sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, phát triển con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển xã hội bền vững; chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; bảo đảm tính công khai, minh bạch, tính dự báo trong xây dựng và thực thi thể chế kinh tế, tạo điều kiện ổn định, thuận lợi cho phát triển KT-XH.

Thủ tướng cho rằng: Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng trong chiến lược phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020 là phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đi đôi với đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển bền vững; phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm 2016-2020 tăng 6,5-7%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,5%/năm; thực hiện có hiệu quả đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành, lĩnh vực, cơ cấu lao động theo hướng CNH-HĐH. Để đạt được các chỉ tiêu nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá trong Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2011-2020 về: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.

Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa; bảo đảm cạnh tranh bình đẳng; tăng nhanh tiềm lực và bảo đảm an ninh tài chính quốc gia; lành mạnh hóa hệ thống tài chính; ổn định các cân đối vĩ mô; huy động, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho phát triển nền kinh tế...

Thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm rất cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, mỗi cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên, trước hết là từng cấp ủy viên phải có tầm nhìn và tư duy chiến lược; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; làm việc quyết liệt, tâm huyết, thực sự gương mẫu trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra.

Khắc phục triệt để bệnh hình thức trong học tập, quán triệt nghị quyết

Chiều cùng ngày, Hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã hoàn thành chương trình đề ra sau hai ngày làm việc với tinh thần đổi mới, nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả.

 Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổng kết hội nghị, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nêu rõ: Ý kiến của nhiều đại biểu cho rằng, các báo cáo đã đáp ứng yêu cầu truyền đạt về những quan điểm lớn, những nội dung cốt lõi và những vấn đề mới trong các văn kiện Đại hội XII của Đảng. Nhiều nội dung, luận điểm trong Văn kiện Đại hội XII đã được luận giải sâu sắc.

Thường trực Ban Bí thư đề nghị các đồng chí dự hội nghị nghiên cứu kỹ, quán triệt nghiêm túc ý kiến phát biểu chỉ đạo quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; các nội dung truyền đạt của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị về những quan điểm lớn, tư tưởng chỉ đạo, những nội dung cốt lõi và những vấn đề mới trong các văn kiện Đại hội để lãnh đạo, chỉ đạo việc học tập, quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội ở địa phương, đơn vị mình một cách thiết thực, hiệu quả. Đồng chí lưu ý, trong quá trình triển khai các nhiệm vụ thời gian tới, đội ngũ cán bộ chủ chốt của các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, các ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy cần có sự đổi mới mạnh mẽ trong học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng theo tinh thần thiết thực, hiệu quả, khắc phục triệt để bệnh hình thức...

Các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan, địa phương, đơn vị cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với tinh thần chủ động, sáng tạo, xây dựng chương trình hành động của cấp ủy, tổ chức Đảng vừa bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng, vừa phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế ở địa phương, cơ quan, đơn vị; xây dựng kế hoạch hành động của cá nhân sát với chức năng, nhiệm vụ được giao. Chương trình, kế hoạch hành động cần cụ thể, rõ ràng, có lộ trình, thời gian thực hiện, bảo đảm điều kiện thực hiện, phân công rõ người, rõ việc, tránh rập khuôn, sao chép, sơ lược, qua loa, làm cho xong chuyện. Thường trực Ban Bí thư yêu cầu sau hội nghị, cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ kế hoạch tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng theo đúng quy định tại Chỉ thị số 01 của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương. Các cơ quan thông tin đại chúng mở chuyên trang, chuyên mục, tăng cường dung lượng, thời lượng, đổi mới nội dung, phương thức chuyển tải thông tin, tuyên truyền những nội dung cơ bản của Nghị quyết đến với đông đảo các tầng lớp nhân dân trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài. Các cơ quan giảng dạy, nghiên cứu lý luận chính trị của Đảng bám sát Nghị quyết và các văn kiện Đại hội XII của Đảng, khẩn trương cập nhật, bổ sung hoàn thiện chương trình, giáo trình giảng dạy lý luận chính trị sát với từng đổi tượng cụ thể và xây dựng các chương trình, các đề tài nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn.

TRỊNH DŨNG

Nguồn http://www.qdnd.vn/

 

Đăng bởi: Trường Đại học Giao thông vận tải
Từ khóa

Gọi cho chúng tôi

(84.24) 37663311

Gửi email cho chúng tôi

dhgtvt@utc.edu.vn