Sáng 8/6 tại Hà Nội, Bộ GTVT phối hợp với Bộ ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) và trường ĐHGTVT tổ chức Hội thảo “Tổng kết dự án hỗ trợ kỹ thuật đánh giá công nghệ dầm cánh rộng áp dụng cho các dự án hạ tầng giao thông ở Việt Nam” thuộc Chương trình Aus4Transport do Chính phủ Australia viện trợ.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Đây là dự án hỗ trợ kĩ thuật thuộc Hợp phần B Chương trình Aus4Transport (A4T) do Chính phủ Australia tài trợ thông qua Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT). Cơ quan chủ quản là Bộ GTVT; Cơ quan chủ dự án là Vụ Khoa học và công nghệ; Cơ quan đề xuất, triển khai hoạt động là Trường Đại học GTVT; Công ty TNHH DT Global Australia Pty là Tư vấn quản lý các dự án. Thời gian thực hiện dự án từ 2021-2024.
Tham gia Hội thảo có đại diện của trên 30 doanh nghiệp tư vấn, nhà thầu trong lĩnh vực GTVT; đại diện các đơn vị quản lý nhà nước trong ngành GTVT: Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường bộ Cao tốc Việt Nam, Cục Quản lý đầu tư xây dựng CTGT, Vụ Kế hoạch đầu tư, Sở GTVT Hà Nội, Sở GTVT Ninh Bình, và các chuyên gia đến từ Trường ĐHGTVT, trường ĐHXD Hà Nội, trường ĐHGTVT, Viện KHCN GTVT, Viện Kĩ thuật Xây dựng, Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng)
Ông Hoàng Thanh Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ GTVT phát biểu
Phát biểu tại hội thảo, đại diện Bộ GTVT, ông Hoàng Thanh Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết, Việt Nam có mạng lưới sông ngòi dày đặc, phân bố rộng khắp cả nước, nhu cầu xây dựng cầu rất lớn. Thống kê cho thấy, kết cấu nhịp dầm giản đơn được áp dụng phổ biến nhất, tập trung vào các dầm có khẩu độ nhịp từ 24-38m. Cá biệt có một số cầu sử dụng nhịp 42m nhưng không phổ biến do dầm có độ mảnh theo phương ngang lớn, dẫn đến khó khăn trong quá trình thi công. Nhu cầu thực tế cần có giải pháp cho dầm bê tông cốt thép (BTCT) dự ứng lực (DƯL) có chi phí hợp lý, cấu tạo đơn giản, chiều cao dầm chủ thấp, khả năng công nghiệp hóa cao và vượt được khẩu độ nhịp lớn hơn so với các kết cấu dầm nhịp giản đơn hiện tại. Vì vậy, Bộ GTVT đã giao trường Đại học GTVT chủ trì nghiên cứu dầm I cánh rộng BTCT DƯL có khả năng vượt khẩu độ nhịp đến 60m để áp dụng vào cơ sở hạ tầng giao thông Việt Nam. "Kết quả nghiên cứu hứa hẹn triển vọng áp dụng rất cao. Song còn nhiều việc phải tiếp tục hoàn thiện trước khi áp dụng rộng rãi kết cấu này", ông Nam nói và cho biết, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật thuộc Chương trình A4T: Đánh giá công nghệ dầm cánh rộng áp dụng cho các dự án hạ tầng giao thông ở Việt Nam. Mục tiêu đặt ra là hoàn thiện hồ sơ và thể chế hóa công nghệ dầm I cánh rộng ở VN, đa dạng hóa các giải pháp kỹ thuật trong thiết kế cầu, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế - kỹ thuật của dự án. Dự án gồm hai giai đoạn hoạt động, bao gồm công tác đánh giá lợi ích về kinh tế - kỹ thuật của giải pháp dầm cánh rộng, đánh giá cơ hội ứng dụng dầm cánh rộng trong các dự án giao thông ở Việt Nam cũng như xây dựng hồ sơ thiết kế điển hình cho các khẩu độ nhịp từ 24 - 60m, xây dựng chỉ dẫn kỹ thuật thi công, nghiệm thu chủ đạo, định mức chế tạo dầm, chế tạo thử nghiệm hai dầm và thử tải phá hoại đánh giá sức chịu tải của dầm.
PGS TS Ngô Văn Minh - điều phối viên của dự án từ trường ĐHGTVT báo cáo
Tại chương trình, PGS TS Ngô Văn Minh - điều phối viên của dự án từ trường ĐHGTVT đã báo cáo các kết quả chính đạt được: Dầm I bản cánh rộng 24 m có thể thay thế hiệu quả cho dầm bản rỗng 24; Là giải pháp kinh tế để áp dụng cho các nhịp từ 40 m trở lên ở Việt Nam; Việc chế tạo dầm với các điều chỉnh hợp lý có thể sử dụng bê tông thông thường và các loại vật liệu thông thường để thi công trực tiếp tại công trường, nâng cao khả năng áp dụng trong thực tế.
Ông Vũ Đức Công, Quản lý cấp cao về hạ tầng, Cố vấn chính sách của DFAT phát biểu
Các bên đều thống nhất đánh giá cao sản phẩm của dự án; và thống nhất dầm I cánh rộng là giải pháp cần được xem xét, áp dụng sớm trên các dự án GTVT ở Việt Nam. Ông Vũ Đức Công, cố vấn cấp cao của Đại sứ quán Úc tại Việt Nam, đánh giá dự án là một trong những dự án được thực hiện hiệu quả, đánh giá rất cao sự tham gia tích cực của các đơn vị có liên quan, đặc biệt là của trường ĐHGTVT trong việc đảm bảo chất lượng của dự án. Đây được xem là 1 trong những dự án có sản phẩm thực tế, có khả năng ứng dụng cao nhất trong Hợp phần B của chương trình hỗ trợ kĩ thuật.